TIÊM VẮC XIN COVID-19 CHO TRẺ TỪ 5 ĐẾN DƯỚI 12 TUỔI
VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là việc hết sức cần thiết, mang lại nhiều lợi ích để bảo vệ trẻ trước tình hình dịch Covid-19 như hiện nay. Phụ huynh và người chăm sóc trẻ nên sớm đồng ý cho trẻ được tiêm, để làm giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm tỷ lệ chuyển nặng, giảm biến chứng và giảm tử vong nếu trẻ không may bị nhiễm Covid-19.
Với trẻ mắc Covid-19, qua theo dõi đã xuất hiện nhiều ca có biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả di chứng cấp tính của Covid-19 và tình trạng hậu Covid-19. Thậm chí có những trường hợp ghi nhận trẻ bị Hội chứng viêm đa hệ thống sau mắc Covid-19, đây là biểu hiện nghiêm trọng khi viêm cả các cơ quan khác trong cơ thể, nếu không được phát hiện sớm rất dễ dẫn đến tử vong. Ngoài ra, việc tiêm vắc xin không chỉ bảo vệ bản thân trẻ mà còn giảm đi sự lây nhiễm cho những người trong gia đình, đặc biệt là người cao tuổi, người mắc bệnh nền.
Hiện có hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã và đang sử dụng vắc xin Pfizer để tiêm cho hàng chục triệu trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Theo ghi nhận thực tế từ các quốc gia đã triển khai, tỷ lệ phản ứng thông thường như sốt, sưng đau tại chỗ khi trẻ tiêm vắc xin này rất thấp, chưa nói đến phản ứng nặng và tỷ lệ thấp hơn so với các vắc xin thông thường trong và ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng như cúm, sởi - quai bị - rublella, v.v.
Đến thời điểm hiện tại, loại vắc xin được nước ta phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi này là vắc xin Pfizer. Liều lượng 0,2 ml. Khoảng cách giữa các mũi tiêm thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Bộ Y tế nêu rõ, việc tổ chức tiêm, khám sàng lọc, hướng dẫn cách theo dõi, chăm sóc sau khi tiêm chủng thực hiện theo các hướng dẫn chuyên môn trước đó của Bộ Y tế. Cha mẹ, người giám hộ đọc kỹ hướng dẫn và ký vào “Phiếu đồng ý tiêm chủng” theo mẫu.
Để giúp trẻ không lo lắng khi được đưa đi tiêm chủng, các chuyên gia khuyến cáo:
1. Cha mẹ nên trao đổi cho trẻ biết về lợi ích và các phản ứng sau tiêm vắc xin trước khi đi tiêm chủng. Cho trẻ ăn uống đầy đủ, ngủ đủ giấc, không vận động quá mức ngay trước khi tiêm. Thực hiện thông điệp 5K tại điểm tiêm. Thông báo với nhân viên y tế tất cả các vấn đề về sức khỏe của trẻ (nếu có).
2. Sau khi tiêm chủng, cần cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các phản ứng nghiêm trọng nếu có. Đồng thời cần tiếp tục theo dõi sức khỏe của trẻ tại nhà trong vòng 28 ngày sau tiêm, đặc biệt 48 giờ đầu.
3. Luôn có người hỗ trợ bên cạnh trẻ 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Trẻ cần tránh các hoạt động gắng sức và có chế độ dinh dưỡng đầy đủ.
4. Nếu thấy đỏ, đau hay có sưng nhỏ tại vị trí tiêm thì tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh và bất thường thì đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị. Tuyệt đối không bôi, chườm hay đắp bất cứ thứ gì vào chỗ tiêm.
5. Thường xuyên đo thân nhiệt cho trẻ:
* Nếu sốt dưới 38,5 độ C: cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm hoặc lau mát bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước. Không để nhiễm lạnh và đo lại nhiệt độ sau 30 phút.
* Trường hợp sốt từ 38,5 độ C trở lên: cho trẻ dùng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt kéo dài sau khi đã dùng thuốc, cần thông báo cho nhân viên y tế hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và hướng dẫn xử trí kịp thời./.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền
Chúng tôi trên mạng xã hội